Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Tuấn Anh và bàn thắng đầu tiên trên đất Nhật

Tuấn Anh (hàng dưới, ngoài cùng bên phải) trong đội hình chính của YokohamaTuấn Anh (hàng dưới, ngoài cùng bên phải) trong đội hình chính của Yokohama

1. Trên bảng thống kê J-League 2 tới thời điểm này về tiền vệ Tuấn Anh của Yokohama chỉ có 1 thông số duy nhất bước qua số 0. Đó là 1 lần Tuấn Anh được đăng ký thi đấu, trận đấu ngày 11/9/2016, vòng 31 khi Yokohama đến làm khách trên sân của Machida Zelvia. Chỉ là đăng ký thôi chứ Tuấn Anh chưa được vào sân một khắc nào. Vì thế, các thông số còn lại đều là số 0 tròn trĩnh.

So với người đồng đội cùng lớn lên ở lò HAGL Arsenal JMG và cũng đang thi đấu tại Nhật Bản là Công Phượng, chỉ số của Tuấn Anh không thể bằng.

Trong màu áo Mito Hollyhock, Công Phượng đã được đăng ký thi đấu 17 lần trong đó có 1 lần ra sân ngay từ đầu, 4 lần vào sân từ băng ghế dự bị và 1 lần bị thay ra giữa chừng. Tổng số thời gian chơi bóng tại J-League 2 của cầu thủ quê Nghệ An đến lúc này là 77 phút.

Ngay với cả Xuân Trường, một đồng môn khác của Tuấn Anh đang chơi bóng ở Hàn Quốc, Tuấn Anh cũng không bằng. Trường “hip” ít ra đã có 59 phút đạp cỏ K-League trong một trận được tung vào sân ngay
từ đầu.

Bởi vậy, nhiều người đã thất vọng về sự “mất tích” của Tuấn Anh – một trong những tài năng trẻ triển vọng nhất của bóng đá Việt Nam.

2. Đúng vào lúc thất vọng ấy, Tuấn Anh bừng sáng khi được HLV Hitoshi Nakata lần thứ 2 trao cơ hội ở Cup Hoàng Đế (giải đấu giống như Cup quốc gia) với một tình huống mang về quả phạt đền và 1 bàn thắng ấn định tỷ số 3-2 cho Yokohama trước Nagano FC.

Chia sẻ với người viết về bàn thắng của Tuấn Anh, Trưởng đoàn bóng đá HAGL Nguyễn Tấn Anh không giấu được niềm vui. Ông nói: “Lần đầu Tuấn Anh được trao cơ hội ra sân ở vòng 1 Cup Hoàng Đế, tôi đã nghĩ nó như cơn mưa đầu mùa. Còn lần này ở vòng 4, Tuấn Anh ghi bàn thì nó như cơn mưa mát lành vậy. Bàn thắng đã giải tỏa áp lực cho Tuấn Anh vì trong 3 cầu thủ xuất ngoại của HAGL, Tuấn Anh ít được trao cơ hội nhất”.

Tuấn Anh là người trầm tính, thế nên khi thấy anh “mất tích” ở Yokohama, nhiều người đã đặt câu hỏi về khả năng chuyên môn của anh.

Thực tế, Tuấn Anh phải trải qua vô vàn khó khăn ở môi trường bóng đá vốn phát triển hơn Việt Nam rất nhiều. Khó khăn từ thích nghi sinh hoạt, khác biệt ngôn ngữ đến đòi hỏi chuyên môn trên sân tập, sân đấu. Những bài tập thiên về thể lực khiến cầu thủ quê Thái Bình có thời điểm liên tục phải thở dốc, trọng lượng cơ thể sụt 3-4 kg hay ngay cả khi gặp vấn đề về răng, anh vẫn phải nén đau để hoàn thành giáo án…

Vậy nên nỗ lực vượt qua khó khăn để tìm một chỗ đứng trong màu áo Yokohama của Tuấn Anh rất đáng khâm phục.

3. Ở Yokohama hiện tại có tới 17 tiền vệ, 8 đến 10 trong số này có thể chơi ở mọi vị trí của khu vực trung tuyến. Tadokoro, Sato, Nomura, hay Osaki đang là những “máy chạy” với thời gian thi đấu đều trên 2.000 phút kể từ đầu giải.

Điều đó có nghĩa là cơ hội cho những cầu thủ được xem còn trẻ như Tuấn Anh không nhiều. Thậm chí ngay cả ngoại binh người Hàn Quốc Seung-Soo Na, hay R.Straus người Slovakia cũng mới chỉ vài lần được tung vào sân thi đấu với tổng thời gian chưa đầy 1 trận.

Nói thế để thấy rằng, cuộc cạnh tranh vị trí ở Yokohama là rất khốc liệt. Có thể, phải mất một thời gian nữa chúng ta mới nhìn thấy Tuấn Anh ra sân ở J-League 2. Nhưng chắc chắn một điều, đến lúc này chúng ta đã nhìn thấy niềm tin và khát vọng cống hiến của cầu thủ Việt Nam này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét